Wednesday, December 22, 2010

Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư: Những thước phim buồn không chiếu trên màn ảnh.




"Cũng giống như phim tình cảm, đôi khi người ta vì yêu mà rứt ruột lìa xa người mình yêu. Biết làm sao, hoàn cảnh vậy mà."

(Trích "Bởi yêu thương")

Đọc truyện Nguyễn Ngọc Tư giống như vào rạp xem phim. Chỉ có thể là người chứng kiến, tuyệt nhiên khó lòng mà thử vai người trong cuộc thành công. Truyện ngắn của chị (vâng, gọi "cô" thì nghe có vẻ hơi xa lạ quá, lại không quen miệng) ít cái nào phức tạp, nhưng sâu sắc và đầy trải nghiệm cuộc đời. Câu văn câu nào câu nấy đều rõ nghĩa, ngôn từ giản dị chất phác rặt chất Nam Bộ, không cầu kỳ hoa mỹ, không màu mè vòng vo. Nhưng "đẳng cấp" thì xin không bàn cãi. Trước Nguyễn Ngọc Tư, mình cũng đã adua theo mốt, mua tiểu thuyết do giới trẻ viết về đọc, cụ thể có Cocktail cho tình yêu, Phải lấy người như anh, Công ty, etc.. Tuy nhiên vừa gấp sách lại là quên sạch, và hoàn toàn chẳng thấy tèo cảm động nào.

Có thể do tính mình lạnh và vô tâm. Có thể do mình nuốt không trôi những bi kịch tình yêu hoàn hảo hoá tràn lan trong văn chương trẻ. Dù gì đi nữa, trên phương diện cá nhân, cái gì dở là mình không nhớ. Chẳng thể nào gọi là buồn, khi nhân vật đau khổ uống rượu say hoặc khóc trong đêm tối quằn quại, nhịn ăn bỏ bữa gầy yếu thất thần còn người đọc nằm gác chân mồm nhai nhóp nhép cười hi hi. Thật là vô duyên và thật là phản cảm. Nhưng nó cũng đồng thời chứng minh, một khi sợi dây đồng cảm không được nối lại, mọi thứ khác tất yếu sẽ hoá thành vô nghĩa. (và vô duyên, như đã nói.)

Nói thế để thấy được cái tài tinh tế và khéo léo của Tư. Văn Tư viết trong sáng, đôi lúc duyên dáng, đôi lúc lại buồn tênh. Chân chất hiền lành như người dân vùng Nam Bộ, cái đẹp đơn sơ mà trong trẻo đến tận cùng. Nhân vật trong truyện ngắn của Tư chẳng phải người mẫu chân dài sống trong căn hộ cao cấp, chẳng phải anh giám đốc trẻ đẹp trai thành công hào hoa dù suốt ngày không làm mà vẫn đi xe hơi láng cóng, càng không phải cô nàng spider girl thành thị trắng trẻo sành điệu giăng lưới giám đốc X với ca sĩ Y cùng một lúc. Hình tượng trong văn chị rất gần gũi. Ngay cả tên gọi cũng phản ánh rõ chất miền quê Nam Bộ. Là ông già Chín Vũ nặng tình trong "Cuối mùa nhan sắc", là anh Hết chất phác trong "Hiu hiu gió bấc", là Sáu Tâm trong "Bởi yêu thương". Hay Sáo trong "Nước như nước mắt", rồi dì Bảy dượng Bảy trong "Tình lơ". Còn nhiều nữa. Nhân vật của Tư gọi tên lên thôi cũng thấy thân quen rồi. Đọc truyện còn ác chiến hơn nữa. Giống xem phim mà xem phim 3D. Lâng lâng như ở cõi trên, cảm xúc nhảy múa biến đổi kiểu gì chẳng rõ.

Đọc quyển đầu không để ý, mấy quyển sau thì quen. Trước khi đọc hít thở sâu chuẩn bị tâm lý cả. Chuẩn bị cho việc đồ thị cảm xúc sẽ lên xuống không báo trước. Rất nhiều lần chịu không nổi mà gập sách lại. Hoặc nao lòng như rơi xuống đáy vực sâu nghìn mét. Trời ơi. Chuyện người ta mà mình buồn, kỳ vậy đó.

Không phải chuyện mình, là chuyện người khác. Tư kể thì mình đọc, có vậy thôi chớ sao. Kết ở đâu phải chịu ngay ở đó, sau này có khác đi hay không thì đâu phải chuyện đời mình. Tư hay dùng "Ai mà biết.", hoặc mấy câu nghĩa tương tự vậy trong mấy tập truyện ngắn mình đọc gần đây, "Giao thừa" với "Khói trời lộng lẫy". Giọng điệu nhẹ tênh. Đúng rồi. Chuyện ra sao có người trong cuộc rõ thôi, người ngoài sụt sịt hay cười ti toe thì cũng có nắm được bản chất gì. Nhưng chả hiểu sao cứ thấy rầu rấu.

"[...] Quanh hai con người đau đớn, cá Sầu Ngư đang nhơ nhởn họp bầy.

...Đoạn có người hỏi rồi hai đứa đó ra sao. Tôi không biết, tôi đâu có lội theo chi. Thấy đi thì biết đã đi, vậy thôi."

(Trích "Nước như nước mắt" - tập "Khói trời lộng lẫy".)



Đó, tèn ten ending nhẹ nhàng như thế đó. Chỉ có người đọc mẫn cảm lạ lùng như tôi mới nghĩ điềm gở, chắc Sáo với anh ta khó lòng mà bơi qua hết khúc sông. Hoặc đằng nào cũng để lại cái tiếng đàn bà hư hỏng, có khi còn bị nghi ngờ đồng phạm giết chồng. Rồi cũng không biết nghĩ đằng nào cho phải lẽ. Thương Sáo thì bất công cho chồng Sáo quá. Chồng Sáo dân sông nước, hổng biết có phải vì chân chất quá mà hoá vô tình. Bảo không thương không đúng, tính ra cũng đàn ông tốt, không rượu chè gái gú, chỉ "ưa nói hai từ đúng điệu" thôi. Nhưng "Chữ đúng điệu nhiều lúc làm Sáo sợ. Nhất là khi nghe bảo "em nằm day lại tui gãi cho đúng điệu cái coi.".." Chẳng biết anh ta có chết đúng điệu vì lá ngò gai đó không. Lúc rời trần gian rồi chắc cũng tại đúng điệu đàn ông nên chẳng hay gì chuyện vợ mình và người đàn ông sương gió ấy. Cái người làm anh chết. Cái người dẫn vợ anh bỏ trốn. Đúng Điệu ơi là Đúng Điệu, mấy chuyện này anh biết hay giả vờ không biết...

"Giờ người đàn ông này lại bảo, "Em đi với tôi nghen - Cũng câu nói năm xưa, giờ nhuốm màu vô vọng - Chồng em có còn đâu...". Sự vô vọng của năm chữ đằng sau phả hơi lạnh tới cả cái gật đầu của Sáo, ừ thì đi."

(Trích "Nước như nước mắt".)


Cái mấu chốt của nỗi buồn, của nỗi đau nhiều khi chỉ xuất hiện ngay kết thúc. Mấy con cá Sầu Ngư chắc gì đã tha thứ cho đôi tình nhân bỏ trốn không ngoảnh đầu lại này. Tư nói rồi còn gì, làm sao chị biết được, chị có lội theo đâu. Nhiều khi vì yêu người ta làm liều. Nhân vật của Tư là thế đó, sống hết mình, vì yêu hay vì bất kỳ điều gì khác. Nhiều lúc cũng vì hết mình mà chịu phần thiệt thòi. Chịu thiệt biết đau nhưng lại xem đó là hạnh phúc. Nói như Nguyễn Trọng Bình, con người hướng thiện thành thật trong văn Nguyễn Ngọc Tư "[..] xuất phát từ suy nghĩ thà chấp nhận riêng mình đau khổ còn hơn là phản kháng để làm tổn thương người khác." và "..con người trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư làm chuyện gì cũng đắn đo suy nghĩ và cân nhắc xem chuyện ấy là tốt hay xấu, là đúng hay sai, có gây tổn hại đến người khác hay không để từ đó quyết định nên làm hay không nên làm." (đọc toàn bài phân tích ở đây)


Thời đại hiện nay, nhất là ở thành phố, rất khó để tìm và tin vào lý tưởng sống độ lượng, bao dung và chân thành như những gì Tư muốn chuyển tải đến bạn đọc. Vì thế, truyện ngắn của chị như một luồng gió mới, đánh thức lòng tốt, mặt thiện trong mỗi người đọc, để lại cho chúng ta một khoảng lặng để suy nghĩ. Cách nhìn nhận hạnh phúc đưa ra trên nền tảng cho đi. Trái tim dù tan vỡ vẫn tràn đầy độ lượng. Những mối tình ngang trái và dang dở trong truyện ngắn của chị cũng từ niềm tin này mà thành.


"
[...] Ông nói với tôi rằng bỏ cả đời đi theo đoàn hát cũng không uổng, bởi vì đời ông thực có ý nghĩa. Lần đầu tiên ông được đóng vai chính, người ta hỏi vai gì, ông bảo vai con của đào Hồng, phút lâm chung của người đàn bà ông yêu thương, ông gọi "Má ơi!" và thấy bà mỉm cười. Chỉ vậy thôi à. Ừ chỉ vậy thôi. Nhưng tụi trẻ bây thì biết gì chuyện tình cảm của người lớn..."

(Trích "Cuối mùa nhan sắc")

Chín Vũ, ông già bán vé số, nhân vật chính của truyện ngắn "Cuối mùa nhan sắc", hơn bảy mươi tuổi, và một tình yêu cả đời vẫn trẻ hoài ở tuổi hai mốt, ngày mà ông gặp đào Hồng. Rồi si mê, rồi bỏ cuộc sống thượng lưu bôn ba theo gánh hát. Yêu đào Hồng với tất cả những gì ông có, lặng lẽ, hy sinh và dào dạt. Nhưng đào Hồng chỉ yêu Thường Khanh. Đến cuối mùa cũng vì ông ta mà chết. Cả quán cà phê chú Tư Bụng thấy điều đó. Ai cũng thấy, cũng biết điều đó. Chỉ có ông Chín phẩy tay, tụi bây con nít con nôi, biết gì tình cảm người lớn mà ưa nói...

Vì cái "tình cảm người lớn" đó mà cả đời ông khổ cực. Vì cái tình cảm đó mà ông già thất thập cổ lai hy vẫn cứ như thanh niên, không dám uống cà phê để dành tiền "mua cho cổ chai dầu thơm", hay "đập con heo đất, đi chợ mua cho bà thỏi son với hộp phấn Bông mai"; để cuối cùng bà cũng chỉ "..vẻ mặt buồn hiu, "Anh tốt với tôi chi mà tốt hoài vậy?", làm ông Chín cũng buồn." Buồn cứ buồn, mà yêu cứ yêu. Tình yêu trong văn Tư không có tuổi. Nỗi đau cũng không có tuổi, và dĩ nhiên chẳng ai mừng sinh nhật sự hy sinh hay nỗi bao dung, độ lượng.


Cuối cùng ông vẫn hạnh phúc, dù đã trải qua không biết bao lần nỗi đau. Chỉ là đào Hồng đã cười với ông. Chỉ có thế thôi. Đọc hết truyện vừa giận vừa thương, lại vừa ngờ ngợ. Thời buổi này còn có người tốt dữ vậy sao trời? Đáng lẽ ông Chín đừng kể đào Hồng có Thường Khanh tới tìm, để bà hy vọng, rồi thất vọng, rồi rời bỏ ông. Đáng lẽ bà còn sống lâu hơn nữa. Đáng lẽ ông còn được thấy dáng bà hiu hắt gánh chè lâu thêm chút. Ông nói làm gì, cho ông đau?

nhưng đã đau hơn năm mươi năm rồi còn gì.

Đã ôm cuộc tình đơn phương ấy ngần đó năm trời, thôi thì thêm vài năm nữa cũng chẳng sao.

"..tụi trẻ bây thì biết gì chuyện tình cảm của người lớn..."


C
hả cần môtip Lọ Lem hoàng tử, chả cần trai đẹp giàu có thành đạt chung tình, chả cần hoàn cảnh khắc nghiệt nghẹt thở dính dáng đến vũ trường, đường dây buôn bán hay blah blah... Chỉ cần ông già bán vé số với bà bán chè xưa là đào hát, với cuộc tình thầm lặng không đòi hỏi hay trách cứ. Thừa sức làm tụi trẻ bây thấy đau lòng. Nhiều khi chẳng là vì gì cả.

Giống như vô rạp coi phim buồn vậy thôi. Mà sao buồn cứ dai dẳng đeo hoài lâu hết.



T
ình yêu hy sinh vì hạnh phúc người mình yêu, nhẫn nại và chịu đựng mọi đau khổ thiệt thòi là chủ đề quen thuộc xuất hiện khá thường trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Ngoài "Cuối mùa nhan sắc", còn có "Rượu trắng", "Bởi yêu thương", "Dòng nhớ", "Hiu hiu gió bấc", rồi "Một mối tình"... Đàn ông hay đàn bà khi yêu trong văn của Tư thường ít khi dùng lời nói bóng bẩy ngọt ngào. Chỉ có hành động là thể hiện. Mong đối phương hiểu, hiểu ra thì ít mà dẫn tới tréo ngoe thì nhiều. Là người đàn bà đã đi tìm "tình địch", người xưa mà chồng mình chưa bao giờ ngừng thương nhớ. Một đời sống với nhau chồng hiền lành, sống tròn trách nhiệm, nhưng nhân vật "má tôi" vẫn hoài đau đáu lẫn hờn ghen, biết rằng trái tim chồng chưa thuộc về mình bao giờ. Bởi tâm hồn ông đã trôi theo dòng nước, kể từ ngày cô con gái nhỏ với người xưa chết đuối, còn ông buồn hận bỏ về nhà. Hận thì hận, nhưng đau đáu mãi tình yêu. Người đàn bà đến sau, tức "má tôi", đến lúc chồng qua đời rồi vẫn cứ đi tìm người xưa đó, người hay neo ghe lại ở bến sông một thưở trước nhà ..

"Má tôi vẫn không ngừng tìm kiếm dì, hỏi để làm gì, má tôi nói để cho dì hay và nói với dì, nếu sống mà không gần được, chừng nào chết, mời dì lên nằm trên đất vườn tôi.

Đó là nỗ lực cuối cùng má tôi làm để chấm dứt cái cảnh ba nằm bên má mà hồn vẫn hướng về những dòng sông miên man chảy."


(Trích "Dòng nhớ".)



C
hắc chữ "tình" làm người ta hành động đôi khi khác lạ. Thương tại vì người ta không quên hay quay lưng lại được chuyện xưa. Trời ơi, tình gì mà lạ vậy. Nhưng mà có thật hết. Trong văn Tư có hết, ngoài đời cũng có. Trong văn Tư hiện lên thật hơn cả đời thực. Sống động, từ nụ cười cho đến giọt nước mắt nuốt ngược vào trong. Ai yêu cũng vậy hết. Nhân vật "Tôi" trót lỡ đem lòng thương anh rể mình suốt mười mấy năm trời trong Một mối tình cũng vậy. Yêu từ thưở bé, vui đùa ngây thơ đã "Em xí thằng Trọng", vậy mà "Trọng lại thích chị Ái tôi hơn. Trọng thương thầm chị cũng nhiều như tôi thương thầm anh vậy." Cái "cũng như" này hoá ra lại làm nên vòng luẩn quẩn. Chị Ái bỏ đi từ lúc thằng Bầu còn bé tí, mười mấy năm sau "tôi" vẫn một lòng yêu Trọng, yêu anh rể của mình. Yêu đến nỗi khi "tôi" cứ thắc mắc anh Hai có chịu tính chuyện đi bước nữa chưa, má còn bảo "cái con nầy, lần nào về cũng hỏi có mỗi chuyện đó." Còn nhân vật chính thì "Mình à? Mình sao? Lần nào cũng hỏi chuyện đó? Ụa, hỏi hồi nào mình không hay vậy ta?". Có mối tình thôi. Anh Hai cũng có, thành thử ra mười mấy năm rồi, anh cứ giữ cảnh nhà xưa, để "má con nhớ được đường, nhớ được nhà mà về." Hỡi ôi, lời thằng Bầu ngây thơ, có gì nói đó, nó chân thật với dì Út thế thôi, mà nghe sao đắng quá.



Một mối tình
. Tựa truyện gì đâu nghe nhẹ hẫng, cứ như kể chuyện người chứ chẳng phải trút hết nỗi lòng mình ra. Mà đặc trưng của Nguyễn Ngọc Tư là ở chỗ này. Chọn lựa từ ngữ không dao búa hay nặng nề, toàn ngôn từ rất hằng ngày. Chẳng phải cố ịn ra cả tá đau buồn kể lể vào truyện, nên mới có cái cảnh oái oăm với người đọc khi mấy mẩu truyện thanh thoát giản đơn thế mà nỗi đau tứa ra nhói cả lòng. Dù chả phải là chuyện của mình đâu, mà là chuyện của Sáu, Bảy, Chín nào đó ở miền quê Nam Bộ trong mấy cái xóm nào tên lạ hoắc lạ huơ kìa.

"[..] nó biểu, dì Út đừng có giận, ba con nói dì giống má con quá, nhìn dì, ba con chịu hổng nổi. Tôi nổi khùng trong bụng, nhìn tôi thì thương tôi chớ mắc mớ gì mà nhớ về người khác."

"Không lẽ im re hoài, tôi nói với Trọng, rằng anh có nhớ chị Hai thì cũng vậy thôi, người vẫn chưa về, thử thương tôi đi, tôi sẽ giúp thằng Bầu nấu cơm, vá áo, giúp anh lau ống khói, châm dầu cái đèn chong nhỏ, giữ cho ngọn lửa suốt đêm ngày le lói đỏ như giữ vẹn truyền thống nhà mình đã trăm năm nay. Sau nầy, chị Hai có về, tôi sẽ trao anh lại, như ngày xưa vậy, tôi làm cũng được lắm mà, gọn bân chớ gì...

Mà, trời ơi, Trọng ác với tôi chi vậy, sao bắt tôi phải kìm lòng không được để nói ra, nhìn tôi mà không hiểu à?"

(Trích "Một mối tình")


Cái gì cũng nhẹ tênh, nhẹ tênh như mấy chiếc lá tới mùa rụng đầy sau sân, như chiếc ghe nhỏ trôi trên dòng miên mải. Có màu vô vọng nhuộm phủ cuộc tình qua bao mùa gió thổi, có trái tim yêu chẳng được đáp lại bao giờ. Người Nam Bộ thẳng tính, có sao sống thế, thực với cái lòng mình là được. Đến tình yêu cũng thế. Làm được gì thì làm, yêu rồi tính toán với nhau chi nữa. Chuyện thế nào cũng do tại đời thôi. Có người lòng thay đổi, thì cũng có người tình cảm trong tim không tỷ lệ thuận với thời gian.

"Thêm một mùa gió bấc nữa, chị Hảo vẫn chưa lấy chồng. Ai lại cũng hỏi, chị chờ ai vậy cà. Chị bảo chờ người xức dầu Nhị Thiên Đường của chị mà hết đau, [...] chờ người ta thôi buồn khi đưa chốt qua sông.

Nhưng mà chờ tới chừng nào lận?

Ai mà biết.

Mùa nay gió bấc hiu hiu lại về."

(Trích "Hiu hiu gió bấc".)


Đạo diễn không biết, lấy gì khán giả tới rạp biết đây? Có thể anh Hết bị tía đập thêm mấy trận nữa chợt tỉnh ra, hiểu được tình yêu của người đã cho anh chín chai dầu Nhị Thiên Đường từ thời con gái. Có thể chị Hảo sẽ tìm được hạnh phúc khác. Có thể chẳng có gì xảy ra, và chuyện của hai người họ cứ trôi đi như thế. Gió bấc về rồi gió bấc đi. Bàn cờ, chị Hoài, anh Hết và chị Hảo. Vòng tròn đó sẽ mãi khép kín. Và cứ xoay. Không như trên màn ảnh, đời thật rất khó mà thoát ra.

So với "Khói trời lộng lẫy", "Giao Thừa" thiên về những câu chuyện tình buồn dung dị hơn. Dòng chảy Tư khơi nguồn nhẹ nhàng hơn, dù sóng ngầm vẫn hiển hiện, dữ dội và hiển nhiên như một lẽ thường trên đời. Trừ "Nước như nước mắt", những truyện ngắn có trích dẫn ở trên đều nằm trong tập Giao thừa. 17 truyện ngắn, 162 trang. Tái bản lần thứ 10, NXB Trẻ. Giá bìa 23,000 đồng. So với 60,000 đồng cho một vé xem phim ở Megastar, đây là một sự đầu tư đáng tốt, theo ý kiến cá nhân.

Dĩ nhiên, ai hiểu thì hiểu thôi.

Người review sao mà biết được.


Văn của Nguyễn Ngọc Tư có chiều sâu, đậm phong cách Nam bộ, và ám ảnh. Vâng, chính xác là ám ảnh. Nỗi ám ảnh từ tốn khoan thai bước vào tâm trí, nhẹ nhàng hệt như văn của chị, đến nỗi chính người đọc cũng không nhận ra. Nhưng sẽ sớm thôi, khi chợt biết, những câu chuyện ở miền sông nước của những người ta không quen biết, hoá ra lại nằm trong trí nhớ ta rõ như thể ta là người trong cuộc. Cánh đồng bất tận là minh chứng rõ rệt. Hiện giờ, Cuối mùa nhan sắcMột mối tình đã được thêm vào danh sách ám ảnh của tôi.

Tôi gọi đó là một sự ám ảnh ngọt ngào. (và đúng đắn)

Còn cụ thể là ngọt hay đúng đến mức nào thì ấy lại là chuyện của tôi.

Với những thước phim khắc khoải của Tư, những thước phim không thuộc về màn ảnh (và dù có lên cũng không sống động bằng), mỗi khán giá đến rạp đều có quyền giữ một kết thúc cho riêng mình. Như giữ một tấm vé sau khi soát, giữ một chỗ ngồi trong rạp, giữ ly popcorn hay ly nước ngọt, hoặc là giữ tay người đi cùng bên cạnh để khỏi lạc nhau.

Chuyện coi dễ mà xem ra không dễ.


- vào một ngày đã đóng hết cửa nhà của tháng 12,

Cảm nhận truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư
- "Giao thừa" & (1 ít của) "Khói trời lộng lẫy."



Yên tĩnh quả là đỉnh cao của cảm hứng và siêng năng,
hehe :">

[Hình minh hoạ: bìa KTLL source ở đây, bìa GT source ở đây.
Mình tự ghép cả 2 vào 1 để đỡ up 2 hình do blogspot phần compose new post rất khó chịu =))]



No comments:

Post a Comment