Tuesday, October 12, 2010

Ngày hạ rỗi nói chuyện chó mèo đi nhỉ.





*by
Phương Hoàng on Friday, 18 June 2010 at 16:30

Repost to u n b o x on Saturday, 13 November 2010 at 00:15.


một trong những entry hiếm hoi mình viết về gia đình quá đỗi yêu thương :)




1. Dạo này chẳng viết được gì cả, cũng không làm được gì ra ngô ra khoai. Cái muốn nói lúc định nói lại thấy khó nói, lúc thấy dễ nói thì quên phắt định nói cái gì. Mà xoay qua xoay lại cứ tầm 6 rưỡi là lại World Cup. Ba mình chơi kèo, trận nào cũng coi, Algeria hay Slovania, có khi chả biết nó là ai cũng coi, cơ bản là năm nay rảnh quá ngồi phân tích kèo. Hôm bữa cắm cúi viết note về gì đấy, đang vào đề thì ba mình bắt đầu mở đá banh. Quăng lap qua một bên, chúi mắt vào màn hình. Trận gì dở như hạch, nhưng coi xong thì cũng hết hứng văn chương.



2.
Nãy ngồi đọc Phụ nữ Chủ nhật, có tạp bút của Đỗ Trung Quân. Vụn vặt mà hay ho gì đâu à. Tự nhiên đọc chuyện con mèo lọ ấy, nhớ con miu ngày xưa ở nhà ngoại mình ghê gớm. Ít nhất cũng cách đây bảy tám năm rồi. Chẳng biết nó chết ở đâu. Chẳng biết năm nay là mùa tang thứ mấy. Mấy đứa con của nó giờ ở đâu; thật tình là mình chẳng biết cái gì.

Hình như nó cũng chẳng có tên. Hồi đó nhà ngoại có đến năm con chó, mà mấy em toàn hung hăng thôi. Mèo vì thế nên không dám ở trong nhà, lơ là một tí bị cắn chết ngay. Nó hay lang thang trên nóc, trên mái, mưa thì trèo vô mấy rổ đĩa CD của bà mà ngủ. Mèo rất gầy, ba màu đen-xám-trắng, tiếng kêu thì buồn đến rất thương. Không phải tiếng kêu của con mèo được cưng chiều. Giờ mình mới biết, hoá ra con mèo lúc ấy rất cô đơn. Đến giờ cơm nó về, ăn, uống, rồi lại đi, đi đâu không biết. Đôi khi thấy một con mèo vàng đực lạ hoắc lạ hươ đứng mái nhà với nó. Nó đẻ cũng rất thường xuyên. Có lúc mèo con đem đi cho người ta, có lần rơi xuống bị một em chó quật chết, cũng có khi chết lúc mới sinh, hoặc có khi nó đã đem con đi đâu đó. Hồi đấy mình hay chơi với chó con hơn; nhưng tiếng kêu của con mèo hay hình ảnh nó liếm lên lớp lông mỏng mảnh của đàn mèo con, thật chẳng bao giờ quên nổi.

Hồi đó mình không chơi với bạn bè cùng xóm, mà cả tuổi thơ chỉ luẩn quẩn chơi một mình, với đàn chó. Và con mèo ấy. Mỗi lần giờ cơm mà nghe tiếng meo meo đặc trưng, thể nào cũng để dành lại một ít đồ ăn. Hôm nào cá thì quá tốt, còn không thịt thì cũng ráng để ra. Meo meo được cho ăn xong, kêu meo tiếp, nghe dễ thương vô cùng. Ông bà ngoại với mẹ hồi đó cũng hay mắng mình, vì thịt cá đôi khi mèo ăn không hết, để dính vào mớ đĩa CD của bà. Bị la hoài, biết chẳng giống ai, nhưng cái tật làm sao bỏ được.

Món khoái khẩu nhất của mèo mèo [lẫn của mình] là tôm khô. Tôm khô mẹ mua về thường rất ngon, để bên hông của tủ lạnh trong gian nhà bếp, lạnh lạnh, ăn rất thích. Mèo mèo cũng mê tít món này, nên khi nó về, mình luôn xuống lấy một nắm, cho nó, rồi cho mình. Phần lớn là cho nó, vì mèo mèo ăn tôm khô nhanh lắm, ăn xong lại meo meo, mình định bỏ vào mồm cũng thôi, nhường cho nó. Có những ngày như thế, mèo mèo ngủ lại trong nhà luôn.

Thi thoảng lại đổi tôm khô bằng chà bông. Mèo mèo ăn chà bông không khoái bằng tôm khô. Đôi khi có dịp đi siêu thị Cora, mua về jambon, thì mèo mèo lại cực thích. Mèo mèo hay về buổi trưa. Mình hay lén ở ngoài, cứ đem tôm khô, jambon. Mày ăn đi. Meo meo. Cứ thế. Mấy lần mẹ biết, kêu lẹ lên đi vô ngủ trưa. Mình đành đi vào, phía sau mèo còn kêu meo meo.

Meo meo..



3.
Năm lớp sáu mình chuyển lên SG, mà cũng có thể là trước đó. Cái bệ nhỏ trên mái nhà chỏng chơ tô cơm nhôm nhỏ. Trời mưa to, không nghe tiếng meo meo. Mình ngồi đồng ngoài phòng khách, mắt nhìn mãi mấy kệ CDs của bà. Xám trắng đen đều không có. Tố Ly cạ cạ vào chân mình, vẫy vẫy cái đuôi ngắn ngủn của nó. Mình thả mấy con tôm khô bé xíu xuống, bảo, Thôi mày ăn đi.

Con chó nhỏ hơn mình có hai ba tuổi ấy, cúi xuống, khịt khịt mũi, rồi để y nguyên đó.

Mình quên mất, con này nó chỉ thích ăn bánh mì. Cái thói quen của Tây, ông ngoại ưa bảo thế. Mà ai bảo ông cứ mua bánh mì về chấm cafe ăn sáng rồi chia cho nó ăn, riết nó quen, chó ta mà đòi học làm tây cơ đấy.



4.
Mèo mèo đi rồi. Đám chó trong nhà hết kẻ làm uy, quay qua sủa nhau cắn nhau. Gấu gấu, gâu gâu, bụp chát ì xèo. Vẫn trò liếm láp mình mỗi lần mình lại vuốt ve mấy cái. Dữ tợn thế chứ biết cách làm nũng lắm. Sau này mình ít về được hơn, chỉ có Si là không đổi. Mắt nó loà một bên sau lần cắn nhau với Lu (cũng tại già mà ham hố ấy), nhưng nghe tiếng mình, là nhảy lên, liếm liếm, mừng mừng, hớn hở ghê lắm, xong nằm ra làm nũng. Lông nó thưa hơn, có chỗ dính bết lại, không như ngày xưa mượt trắng nữa rồi.

Si Si vẫn mừng rỡ, quẫy đuôi, tí tởn tí tởn như thế mỗi lần mình về, đi qua nó và kêu, Tao nè. Ít khi ngồi xuống và chơi với nó. Ít khi dành thời gian để nó liếm lên tay, chân, mặt, mũi. Ai cũng kêu con Si này thể hiện tình cảm dơ quá. Biết sao được, nó thương chủ mà.



5.
Giờ thì Si đã qua nhà chủ khác. Mừng là nghe nói, hai mẹ con bà chủ đó nhà khá giả và rất thương chó. Hôm đầu Si qua cho nó ăn cơm gì thịnh soạn lắm, mà em ấy quen ăn cơm gan rẻ tiền xào mấy năm rồi nên không ăn được. Nhưng sau một thời gian đã quen, giờ còn mập mạp béo khoẻ hơn xưa. Vui lắm vì biết có người vẫn yêu thương nó như thế, dù bây giờ tai nó gần như điếc, mắt một bên loà và bên còn lại cũng yếu lắm rồi..

Mày nhớ phải làm nũng với chủ mới ấy. Tí tởn và vui tươi lên, như trước đây mỗi lần mày thấy tao về ấy..



6.
Ông nói, tại giờ ông bà già rồi, yếu rồi, sức đâu mà chăm cho cả đàn chó nữa. Khó ngủ mà ban đêm nó sủa um sùm, rồi cắn lộn, mệt lắm. Cho đi cho yên.




7.
Giờ mình về, phòng khách im lặng lắm. Không có Si, không có em nào sủa ầm ĩ lên mừng nữa. Con Lu thì tuốt bên bếp, ngủ suốt ngày, con Xù cũng ít la. Tố Ly quanh quẩn cái góc dưới tủ của nó. Nó đã già lắm rồi. Mũi không thể đánh hơi được, mắt không thấy đường, di chuyển chậm chạp và gần như mất đi hoàn toàn độ nhạy bén. Tai nó cũng không thể nghe. Ngồi ăn bánh mì chấm sữa, thấy nó loanh quanh, tưởng đói, kêu lại cho ăn. Kêu mấy lần nó vẫn chẳng phản ứng gì. Hoá ra là do không thấy đường đi về góc, mà thính giác hư nên không nghe được, mũi cũng không ngửi được mùi món khoái khẩu.

Mẹ và cậu út mình vẫn bảo cái cảnh đó rất buồn cười và ngược đời. Không chỉ cho nó ăn, mình còn phải đi theo, đưa tận miệng, đút ngay miệng nó mới thấy mà ăn, chứ để xuống đất thì em nó cũng không làm gì được. Ngày xưa mua bánh mì không, khô khốc ở chợ về quẳng cho, nó ăn ngon lành. Giờ mình chẳng nỡ. Mình ăn gì nó ăn đó. Sandwich mềm, chấm sữa. Cứng quá nó nhai không được. Có hôm ông hết sandwich, phải ăn đỡ bánh mì ổ. Mình bóc ruột hoặc phần mềm nhất, chấm sữa, đưa nó ăn, mình ngồi nhai vỏ. Nhớ thằng cháu họ bên nhà nội, hễ ăn cái gì với bánh mì là nó moi ruột bánh mì ra ăn. Mình với ông anh họ ưa càu nhàu, Mày ăn cái kiểu gì vậy, mày ăn vậy ai ăn với mày? Thằng nhóc cười hề hề, tỉnh bơ.

Bữa mẹ về chung, thấy con gái đem ruột bánh mì chấm sữa cho.. chó ăn, nhìn nhìn.

Mình lại cười hề hề, tỉnh bơ.



8.
Siêu thị Cora lâu lắm rồi đã đổi thành Big C. Jambon không còn hương vị như ngày xưa nữa. Mình cũng bỏ cái thói nhai tôm khô lạnh. Căn bản là hết biết cho ai. Tiếng mèo kêu giờ thành quá khứ. Cả ông lẫn bà đều không còn nhanh nhẹn như xưa. Bờ mương bên hông nhà đã bị lấp, trải nhựa hẳn hoi. Mà Xù với Lu cũng đâu còn sức mà chạy nhảy nơi đấy nữa. Nếu có đi chăng nữa, mình cũng không đủ can đảm mặc đồ bộ, tóc tai bết mồ hôi rồi cười hố hố đuổi theo. Trẻ nít xung quanh mắc công bảo bà này điên thì lại dây dưa đến khổ.



9.
Mình có tấm hình cũ ơi là cũ. Tóc ngắn cắt úp như cái tô, mặc đồ bộ thun màu xanh lùng nhùng, hàng chợ, đạp xe đạp bốn bánh màu mè, chắc là made in China. cười toe toét ra, với nguyên bầy chó xung quanh. Nô, Xù, Si, Lu, Tố Ly.. đủ hết. Còn con Bi nữa. Bi thì chết lâu rồi. :)

Chúng nó lúc xưa cứ quấn quýt mình, thương lắm.



10.
Cách đây không lâu báo chí mổ xẻ vụ hành hạ cậu bé 14 tuổi kia bầm dập thương tích. Mới gần nhất là vụ giết người yêu cũ rồi chặt đầu, nghe như phim mà có thật. Ông bố phải theo đoàn điều tra đi tìm phần thân thể còn lại của con gái. Qua kia gì đó là vụ tai nạn giao thông, đứa con gái hai tuổi bị xe bồn cán qua một phần đầu, ngay trước mắt người mẹ. Nhân chứng hiện trường khẳng định là do tiếng kèn hơi của xe bồn gây giật mình cho người mẹ đang điều khiển xe gắn máy, dẫn đến tình trạng lạc tay lái và cái chết thương tâm của chính con mình. Nghe đâu chỉ có phạt hành chính, nhưng vẫn đang trong thời gian xét xử. Nhân vụ này nhớ về vụ trước, xe hạng nặng đã cán lên nạn nhân ba lần cho đến khi nạn nhân tử vong.

Anh của bạn của anh họ mình cũng vừa mất cách đây chưa lâu. Nghi vấn là án mạng, thi thể được tìm thấy ở đoạn đường chưa hoàn thành thi công của khu vực xa thành phố, mũ bảo hiểm nứt, ngay sau gáy một nhát chém rất ngọt, nứt đầu. Nghi can số một là anh rể nạn nhân, động cơ có thể là lòng tham vì tài sản.

Mẹ bảo, thời nay nhiều người không còn lương tâm nữa.


11. Suy cho cùng, một cách tổng quan, thì chơi với một loài thú thuần chủng vẫn an toàn hơn nhiều so với tạo vật lai tính thú.



12. Có khi sau này phải mua chó về nuôi.

Trừ nhược điểm khác biệt giống loài dẫn đến bất đồng và thiếu thốn trong một vài nhu cầu quan hệ và sinh lý nhất định, mình vẫn thấy chó chung thuỷ, dễ thương và đáng yêu hơn nhiều.



13.
Điều mà mình chưa từng hiểu, là sự quấn quýt mừng rỡ của con Si. Hồi mình còn ở Biên Hoà, Si không phải con chó mình cưng nhất. Đồ ăn cũng không dành nó phần ngon nhất. Đi bao nhiêu năm, mỗi lần về, nó lại nhảy cẫng lên. Vẻ mặt lẫn hành động của nó, đang mệt cũng phải ôm nó, vuốt ve vì rất thương. Thứ tình cảm ấy, lặng lẽ. Chẳng đổi thay. Bền bỉ trong chút ngu ngơ, trung thành một cách ngốc không chịu nổi. Giống như chưa bao giờ nó quên năm tháng xưa, giống như nó vẫn kiên trì yêu thương những gì đã qua lẫn cô chủ vô tình dã man của nó. Không thay đổi. Mãi mãi không thay đổi.

:)


Có một ngày xưa, mình cũng sống tình cảm như loài chó ấy, haha.

.

Và có một ngày xưa, cũng từng miệt mài tin vào thứ "vĩnh viễn không thay đổi".

Giống như chưa bao giờ quên năm tháng xưa,

giống như vẫn kiên trì yêu thương những gì đã qua..



Trung thành một cách ngu không chịu nổi.



.

No comments:

Post a Comment