Monday, October 11, 2010

Này em, xin cứu một người.. (*)






*by Phương Hoàng on Friday, 07 May 2010 at 23:42

Repost to u n b o x on Saturday, 13 November 2010 :)



1|
Đôi khi phải nghĩ rằng, thời gian là hình phạt khắc nghiệt nhất Chúa trời dành cho loài người đã quá nhiều tội lỗi.

Cách để sống không phải là đứng yên, nhưng cũng không phải là chạy đua siêu tốc. Sẽ thật hay biết bao nếu có thể thong dong bước đi, làm vị khách bộ hành dung dị. Vốn dĩ cuộc đời không trơn tru như thế, và đến lúc này buộc phải giết chết đi niềm tin vào thứ gọi là *dung hòa*. Chẳng phải nghiên cứu khoa học hay tâm lý học luôn áp dụng được với 100% thế giới này. Và bởi vì tôi là ngoại lệ, hay ho gì việc giữ lại một thứ từ lâu đã chết trong mình?

Luôn cảm giác muốn bật khóc lên, khóc to thật to, nước mắt nước mũi tèm lem, mắt sưng húp, cho thỏa mọi thứ không gọi thành tên. Cùng lúc đó ở bên thái cực kia của lý trí, tự gào lên, này, không được khóc. Phải trưởng thành đi thôi. Trưởng thành đi thôi...

Cuối cùng chợt nhận ra, năm sau đã lớp 12 rồi. Người ta ước mơ gì? Cao lớn lắm. Bác sĩ. Doanh nhân. Quản lý thương mại. Nhiều. Lớn lao và khát khao. Ba không bảo con gái phải làm gì, nhưng luôn tìm kiếm thông tin du học cho con gái. Mẹ hay kể ước mơ ngày xưa, trở thành người của một Tổ chức chính phủ phi lợi nhuận nào đó, đi du lịch khắp nơi, làm các event hỗ trợ cộng đồng, từ thiện... Nói rằng mẹ đã qua thời hoài bão ấy, còn con gái thì đang lớn lên...

Fải chi ba mẹ biết, rằng có nhiều lúc con bất đồng, con ngang ngạnh cãi lại và thấy ba mẹ thật vô lý, thì ước mơ lớn nhất của con vẫn là thực hiện được ước mơ của ba mẹ. Nhưng đâu rồi, con của một hai năm trước, tràn đầy ước mơ và nỗ lực đến vô cùng? Con không biết. Con hoàn toàn không biết.

Tóc con còn xanh, da con còn trẻ, tuổi đời chưa qua ngưỡng 20. mà nhiều lúc thấy mình khô cằn buồn tẻ, tựa như đã để lại miền ước mơ ở bên kia đồi dốc cuộc đời.

Mà nơi ấy, bây giờ con còn chưa leo tới.



2| Tôi, thật ra là kẻ đã trót đem lòng yêu thương quá khứ. Yêu kỷ niệm của mình đến mức cuồng si. Đã tưởng một sớm một chiều có thể dễ dàng xóa bỏ, rồi lấp đầy nó bằng những thứ mới mẻ khác. Nhưng ngày nối ngày mới biết, tôi hóa ra rất mực chung tình.

Con người ta muốn lớn lên, phải biết đan tâm để lại tất cả sau lưng, vứt bỏ những gì đã qua để gồng gánh tiếp con đường phía trước. Tôi hiểu điều đó, được dạy điều đó và đã thử rất nhiều lần. Tự khắc cốt ghi tâm, rằng kỷ niệm của tôi, quá khứ của tôi, khoảng thời gian đẹp đẽ đã vĩnh viễn qua đi. Nghĩa là chẳng bao giờ trở lại. Chẳng bao giờ trở lại. Chẳng bao giờ trở lại.

Và có đôi lần đã mơ về ngày xưa.
Tôi ước mình có thể bật khóc ngay lúc ấy.


3|
Đấy là phòng học lầu 4. Là dãy giữa bàn áp cuối. Là tóc quá vai, là yêu thương trong trẻo. Là ngón tay lấp đầy, là mic-rô, giọng vang, lời hứa không bao giờ thực hiện. Là những buổi trưa thứ bảy, mắt díp lại, ngồi bên nhau. Là Cô. Là Mùa xuân nho nhỏ, là Tiểu đội xe không kính, là Đồng chí. Là Những ngôi sao xa xôi. Là Kiều.

Một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời.
:)

Là Quê hương anh nước mặn đồng chua, làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá. Là mảnh trăng đêm sương lạnh sáng soi tình bằng hữu, lòng yêu nước, sự cảm thông trong cuộc chiến tranh đầy gian lao, máu và nước mắt. Là Phương Định. Là người con gái kiêu hùng xinh đẹp, Nho, Thao, vĩnh viễn những ngôi sao tuổi đôi mươi.

Văn học là nghệ thuật, là tấm gương. Không có rễ đắng cay, loài người làm sao hái được quả thơm quả ngọt. Giữa khô cằn sỏi đá, đóa hoa vẫn mạnh mẽ khoe sắc thắm. Anh thanh niên trên Sapa, bó hoa, bệnh *thèm người*, giọt niềm tin rạng trên đời sống.

Làm người phải biết bản lĩnh, phải biết tin tưởng và có quyền ước mơ. Phải biết cho đi không toan tính. Trong đời dối lọc, cần lắm chút hồn nhiên để nhân gian mỉm cười.

Tháng ngày năm đó, những trưa nắng thứ bảy, ly nước mua vội ngoài cổng trường, lim dim buồn ngủ, quạt máy không chống lại nổi cái nóng. Đôi khi trời mát. Đôi khi mưa li ti ướt. Đôi khi gió mưa rụng lá đầy hành lang. Đôi lúc con muốn buông xuôi, nhưng như đợt sóng trào dâng, con lại đi trên hành lang cũ. bên dưới hàng cây. trên đây bảng đen phấn trắng.

Tháng ngày năm đó, Cô dạy con thành người.



4|
Con nổi trội ở môn Văn *và ngu đều các môn còn lại* từ năm lớp 4. Tính đến bây giờ là bảy năm. Bảy năm, con ướp hương tâm hồn mình lãng đãng treo ngược cành cây. Bảy năm, từ một đứa bé con chưa hiểu được buồn vui mây gió, con lớn dần. Biết đẹp, biết xấu, biết buồn, biết thương, biết thắng lợi và thất bại. Yêu những đứa con trai, có khát khao, có nhói đau và có dại khờ. Biết huyễn hoặc, biết cô đơn và nếm mùi tuyệt vọng đôi lần chút ít. Sau tất cả mọi thứ, con thấy mình lại quay về với văn chương. Như tình nhân sau cơn say tìm về cuộc tình bao năm mộc mạc. Con trở về và soi mình trong từng dòng chữ. Liền mạch hay rời rạc thì cũng đã đẫm mùi yêu thương. Văn chương ấy từ cõi lòng, từ đam mê nào đó từ một thưở rất xa, là người yêu vô hình luôn dang tay chờ đợi. Buồn, viết. Vui, viết. Phấn khích, viết. Chán, viết. Hoang tưởng, viết. Chẳng thấy gì cả, cứ viết.

Có những thứ chỉ cho một vài người xem, có những thứ chỉ trích ra một ít. Có những thứ đã nộp, lấy điểm; có những thứ rất nhiều người đọc/nghe. Có nhiều thứ con giữ riêng cho mình, giữa một trời ngữ từ con viết, những mộng tưởng đúc kết thành câu văn, không theo đề tài, yêu, không yêu, đi, ở lại.. Viết về bất cứ thứ gì, thể loại và lĩnh vực, miễn là viết.

Người ta có rất nhiều điểm đặc biệt. Đấy có thể là người yêu, là nụ cười, là mái tóc dài, là da trắng, là phím đàn hay tuyệt, là giọng hát trong, là khả năng kịch, bóng đá, bơi lội, dance, game.. Con tự nghĩ mình chẳng thuộc trong số đó, mà cũng chẳng cần. Cái con muốn là văn, là viết.

Vẫn nghĩ, con có thể tự dùng văn mà nuôi sống mình cả cuộc đời thênh thang còn lại. Vẫn nghĩ, bản thân thừa sức viết những khúc văn đẹp mà không theo khuôn khổ tác giả, chuyên đề hay sách giáo khoa nào. Về giấc mơ khoác balô, đem theo ví tiền, son môi đỏ, lên chuyến xe lửa cuối của đêm, đến một nơi xa lạ rồi lại về. Về viễn tưởng sau này với người con yêu. Về những mặn nồng còn bỏ ngỏ. Về niềm tin vào câu chuyện tình của hai anh chàng bạn thân cùng lớp. Về căn hộ thuê chung với K., ở nơi đó chỉ có hai đứa, chỉ cần ở cùng nhau và làm cùng nhau, những điều mọi người không hiểu. Về cơn mưa nào đó vô tình rơi. Về tháng mười hai, tình thư, hoa rơi, tàn phai, say đắm..

Vẫn nghĩ con, với ngần ấy vốn từ và quá dư thừa mộng tưởng, sẽ nuôi được văn trong con mà không cần ai khác nữa.

Nhưng Cô ơi, con thèm buổi chuyên đề ngày xưa quá..



5|
Con vốn tưởng mình chỉ đủ lưu lại ký ức về bạn bè. Chỉ nhớ những buổi trưa cùng nhau học, chỉ nhớ những lần Thu Thảo làm mặt như cún con, rồi đi ăn. Hà Thi hay làm trò bịnh bịnh :)) Mỹ Dung, Yến Nhi, Minh Ngọc, Minh Đức.. Trà My hay kể chuyện ma, bằng giọng con gái Hà Nội đặc trưng vô cùng. Nhớ hay đi ăn với Đức Anh. Hưởng ứng mấy trò chả giống ai của Minh Châu, đặc biệt là chuyện tình bất hủ của nàng năm lớp 9 ;] Cơm căn tin rất đắt. Muốn mua phải xếp hàng rất đông. Chỗ ngủ ở lầu 5. Rất hay thường xuyên lên trễ. Nằm cười rúc rích. Rất thích Vũ và Minh. Thùy Nhi hay nói nhảm. Hộc bàn nào khăn giấy, nào rác, nào bao bánh tráng, nào giấy tờ tài liệu cũ.

Thỉnh thoảng M.Huy với Trung có qua chơi. Ngồi lại nói bậy chết cười. Rồi Trung đi. Lần đi chơi cuối Trung chở không mũ bảo hiểm, kem Bud's, gió lạnh, cậu ta cười và con quẹt nhanh mắt trong lúc cười theo. Rồi Lân đi. Con ko ra sân bay được. Rồi Hạnh đi. Rồi Châu với Đức Anh đi.

Rồi con đi.

Con nghĩ chỉ cần lưu giữ ngần ấy ký ức là đủ sống, đủ vui và đủ để trả cho những nỗi buồn không tên vô hạn, dễ dàng kéo đến bất cứ lúc nào.

Thật ra, lòng tham con người lúc nào cũng lớn.



6|
Giá như con không thuộc về loài người.

Nhưng mỗi sớm thức dậy vẫn thấy mình đầy đủ hình dáng tứ chi của loài người, không phải vượn, khỉ, mèo hay chó. Có gia đình, có nhà cửa, có trường học, có bài tập, có quần áo giày dép, có điện thoại, có ghen tỵ, có háo hức, có đủ mọi cung bậc cảm xúc chỉ dành riêng cho loài người. Con vẫn sống trong xã hội loài người, phải có trách nhiệm và ý thức với những gì mình đã,đang và sẽ làm. Không thể chạy trốn về quá khứ, không có cánh cửa thời gian để lạc về ngày xưa, không có máy thần kỳ đi đến tương lai, não vẫn hoạt động để suy để nghĩ.

Hôm qua, não bắt con nghĩ về ước mơ ngay lúc này.

Cô ơi, con muốn học tiếp về văn thơ cách mạng. Về hình tượng người lính, lý tưởng và nét đẹp. Con muốn được nghe Cô giảng, và lại cho một bài văn dài về nhà làm. Con muốn học *Tây Tiến*, bài đó con tự học hồi ôn thi vô PTNK, giờ vẫn còn thích lắm. Muốn phân tích heo hút cồn mây súng ngửi trời, nhà ai Pha Luông mưa xa khơi. Anh bạn dãi dầu không bước nữa, gục lên súng mũ bỏ quên đời. Muốn nghe cô giảng về Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ. Muốn lột tả chất hùng vĩ đầy nét thơ của người chiến sĩ, Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Và Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Con nhớ mình đã thích thú khi tự học bài thơ này thế nào. Lãng đãng như màn sương khói, bình minh lên xé toạc ra, chiến tranh lửa đạn, màu áo chiến sĩ oai hùng. Cách đây dăm ngày, con lẩm nhẩm ngồi đọc lại, và chợt nhận ra, chẳng còn cơ hội nào nghe cô giảng nữa. Không chỉ là những bài con thích, Tây Tiến *đường lên thăm thẳm một chia phôi* hay Đây mùa thu tới *Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng* nữa; mà cả Tiểu đội xe không kính "nhìn nhau mặt lấm cười ha ha", Đồng chí "Tôi với anh hai người xa lạ", hay nàng Kiều tủi hờn ai oán nữa. Không thể. Không thể.



7|
Những ngày gần đây không viết fic, không xem phim, không tiếp tục truyện của mình, không làm gì cả. Đọc note của Karen hôm nọ, mới chợt tỉnh ra. Mình vẫn có thể viết, nhưng viết với thứ ngôn từ và dòng xúc cảm đang cạn kiệt dần. Như kỷ niệm một ngày sẽ phải rời đi, và chân trần này không bao giờ đuổi kịp. Lại thấm cảm xúc của Dung trong mấy cái note của nó. Có thể mình hiểu, có thể mình không. Nhưng chênh vênh cũng đã gọi tên. Mình đã trả lời, đầu đường kia hiện thực hét vào mặt mình, Dại.

Cô, đáng lẽ ngày xưa cô hãy dạy con bài học vỡ lòng. Bài học vỡ lòng cho đứa học trò nông cạn và ngạo nghễ, rằng mục đích không bắt đầu từ việc cảm thụ nền văn học nhân loại hay vinh danh trong cuộc thi thành phố. Rằng văn chương cũng là một loài cây. Muốn có hoa thơm quả ngọt phải vun trồng. Từ hạt mầm bé thành cây, muốn xanh tốt phải có điều kiện đất trồng và khí hậu, môi trường thích hợp. Trái tim con chưa bao giờ, và không bao giờ là một nơi thời tiết tốt, đủ độ ẩm hay ánh sáng. Trái tim con, trí óc con, nơi bị ám muội bởi kỷ niệm và quá khứ; sẽ không bao giờ quang hợp được, sẽ không bao giờ tổng hợp được ánh sáng và diệp lục cho hạt mầm văn chương.

Cây không sống nghĩa là cây sẽ chết.


Ngày xưa con cũng học Sinh học mà.


8|

Này em xin cứu một người
Này em hãy đến tìm tôi

Vì những con sông đã cạn nguồn rồi,

Vì gió đêm nay hát lời tù tội quanh đời...

Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người,
Này em có nhớ cuộc đời

Này em có biết loài người,

Này em có nhớ gì tôi..

(*) Này em có nhớ - Trịnh Công Sơn.

|

Mình không theo Thiên Chúa giáo, Phật giáo cũng không.

Nhưng mỗi khi lắng lại ngồi nghe, vẫn thấy cuộc tình với kỷ niệm quấn lấy mình. Và phôi pha, cùng với người đồng hành quên lãng, vẫn đang tăng tốc sát nhập với thời gian.

Em này, tôi bảo, khi nào biết yêu, em nhớ lấy, đừng bao giờ rơi vào tình yêu với chính kỷ niệm của mình.

Em nhé,


Tháng 5/ Sài Gòn.
Rất nắng.

Tóc ngắn đã qua vai.
:")

No comments:

Post a Comment